1. Nguồn gốc
Tác giả: GS.VS. Vũ Tuyên Hoàng, TS. Nguyễn Thế Yên, PGS.TS. Mai Thạch Hoành, TS. Phạm Xuân Liêm và TS. Trịnh Khắc Quang – Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm
Giống KL5 được chọn tạo bằng phương pháp thụ phấn tự do từ giống khoai lang đông số 8. Giống được công nhận chính thức theo Quyết định số 1659 QĐ/BNN-KHCN ngày 13 tháng 5 năm 1999.
2. Đặc điểm
– Thời gian sinh trưởng của giống từ 100-120 ngày trong vụ đông và 140-150 ngày trong vụ xuân.
– Sinh trưởng thân lá mạnh, lá xẻ thuỳ sâu, tái sinh nhanh, thích hợp cho việc cắt tỉa thân lá định kỳ. Thân lá mềm ngọt thích hợp làm thức ăn gia súc.
– Củ thuôn dài, vỏ đỏ tươi, ruột củ màu vàng, chất lượng khá. Hàm lượng chất khô trong củ 22-25%, hàm lượng tinh bột 15-19%
– Năng suất thân lá 20-25 tấn/ha, năng suất củ rất cao, trung bình đạt 18-20tấn/ha nếu thâm canh có thể đạt 25-28 tấn/ha.
– Chịu rét khá.
3. Kỹ thuật trồng
– Thời vụ:
Vụ đông trồng từ 15/9 đến 15/10 (dương lịch).
Vụ xuân trồng từ 20/01 đến 20/02
– Chọn đất: Đất thích hợp nhất cho khoai lang là: đất cát pha, thịt nhẹ
– Làm đất: Đất phải được cày bừa kỹ, lên luống rộng 1,2 m, cao 30-40 cm. Nếu đất có tầng đất màu nông thì làm luống rộng 1,3-1,4 m
– Chuẩn bị giống: Cắt dây bánh tẻ đoạn 1 và đoạn 2 dài 30-35 cm.
– Kỹ thuật trồng: “một dậy thẳng hàng giữa luống nối đuôi nhau” Đặt dây nông dọc luống (như hình dưới), trồng với mật độ 4 vạn dây/ha (4 dây/1m dài).
– Phân bón: Lượng phân: 5-10 tấn phân chuồng + 60 kg N + 30 kg P2O5 + 90 kg K2O/ha (tương ứng 300-500kg phân chuồng + 5 kg đạm urê + 5 kg kaliclorua + 15 kg lân supe/1 sào Bắc Bộ 360 m2).
– Cách bón: Bón lót 100% phân chuồng +100% lân supe + 50% đạm + 30% kali. Bón thúc sau trồng 25 – 30 ngày: 50% đạm + 70% kali, kết hợp với vun xới và tưới nước.
+ Vun xới lần 1: Sau trồng 20-25 ngày kết hợp bón thúc 1/3 lượng đạm, 1/3 lượng Kali.
+ Vun xới lần 2: Sau lần 1 khoảng 15-20 ngày kết hợp bón thúc số phân còn lại.
– Chăm sóc:
+ Bấm ngọn: Sau khi trồng 30-35 ngày (vụ Xuân) và 10-15 ngày (vụ Đông) phải bấm ngọn để cây phân nhiều cành cấp 1.
+ Làm cỏ, tưới nước: Sau trồng 2-3 ngày phải thường xuyên tưới giữ ẩm. Sau mỗi đợt vun xới khoảng 2-3 ngày cần phải đưa nước vào rãnh để đảm bảo đủ độ ẩm cần thiết. Khi khô hạn có thể tưới tràn 1/2-1/3 rãnh luống, và giữ ẩm thường xuyên. Nhưng không được để nước liên tục ở rãnh.
– Một số sâu bệnh chính hại trên thân lá và biện pháp phòng trừ.
Giống KL5 rất ít sâu bệnh, tuy nhiên có một số sâu bệnh hại chủ yếu sau:
+ Sâu ăn lá (Caterpillar): Sâu khoang ăn lá là chủ yếu, biện pháp phòng trừ: bắt bằng tay. Có thể dùng Marshal 200SC phun nồng độ 0,2% hoặc dùng Sherpa phun nồng độ 0,2-0,3%phun ngay khi sâu mới xuất hiện. Phải cách ly 20-25 ngày sau khi phun thuốc mới được sử dụng.
+ Bọ hà(Có tên khoa học là Cylas formicarius)hay cùng gọi sùng hà:
Tác hại: bọ hà gây hại trên thân cây và củ, chủ yếu là gây haị trên củ làm cho củ khoai lang đắng và có mùi rất khó chịu, người và gia súc đều không thể ăn được
Nguyên nhân: Luống trồng khoai lang thấp, vun không che kín củ đất cao, thiếu nước hoặc trồng liên tục nhiều vụ.
Biện pháp phòng trừ tổng hợp: Vun cao sau trồng 15-25 ngày và giữ ẩm. Thực hiện luân canh với cây trồng nước (trên đất trồng lúa). Dùng bẫy bả: Củ khoai lang đã được cắt nhỏ rải đều xung quang ruộng khoai thời kỳ đang xuống củ (80-120 ngày sau trồng tuỳ theo vụ) hoặc ngoài khu bảo quản để nhử bọ trưởng thành đẻ trứng vào, sau đó thu bẫy diệt sâu non.
Biện pháp dùng thuốc hoá học bảo vệ thực vật:
Dùng Basudin 10H rắc vào rạch trước khi trồng hoặc rắc sau khi trồng 45-50 ngày với lượng 27kg/ha; Nhúng dây giống trước khi trồng vào dung dịch Trebon 0.1% cũng hạn chế sự xâm nhập của bọ hà.
+ Bệnh ghẻ (Scab)
Tác hại: bệnh rất nguy hiểm hại trên thân lá cây khoai lang, thường xuất hiện khi thời tiết nóng ấm và khô, bệnh lây lan rất nhanh nếu gặp thời tiết thuận lợi. Bệnh phát triển nặng làm thiệt hại lớn đến năng suất thân lá không thể sử dụng làm rau ăn cho người và làm thức ăn cho gia súc.
Bệnh ghẻ
Biện pháp phòng trừ tổng hợp: Phát hiện kịp thời và nhổ bỏ cây bệnh. Thực hiện luân canh với cây trồng nước (tốt nhất là trên đất trồng lúa). Có thể sử dụng thuốc BellKute 40EC phun nồng độ 0.2% khi bệnh mới xuất hiện.
– Thu hoạch và sử dụng: Giống khoai lang KL5 thân lá mềm, ngọt, sinh trưởng phát triển tốt và có khả năng tái sinh nhanh do vậy sau trồng 45 – 50 ngày, có thể tỉa một phần thân lá làm thức ăn gia súc. Sau đó cứ 10 ngày tỉa một lần, nếu thấy thiếu dinh dưỡng có thể tưới bổ sung thêm đạm. Phương pháp tỉa này không làm ảnh hưởng nhiều đến năng suất củ. Khi thu hoạch quá nhiều thân lá, có thể phơi tái (hoặc khô), sau đó thêm 5% cám và 0,5% muối ăn trộn đều, đóng vào túi nilông (10-20 kg/túi) để tiện cho việc sử dụng về sau. Phương pháp này có thể bảo quản thân lá khô từ 3-4 tháng. Củ có thể sử dụng để ăn tươi, thái lát phơi khô, dùng cho người hoặc làm thức ăn cho gia súc.
4. Địa chỉ liên hệ giống
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có củ – Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm
ĐT: 04.36871918; 0320.3716391