1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Trương Công Tuyện, Phạm Xuân Tùng, Đặng Thị Huế, Nguyễn Đạt Thoại và CTV – Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm.
Giống khoai tây Eben được chọn lọc theo phương pháp nhập nội. Giống Khoai tây Eben có nguồn gốc từ Phillipines, sau đó được làm sạch vật liệu tại Úc và được thử nghiệm tại Việt nam từ năm 2000. Đây là giống rất có triển vọng cho công nghiệp chế biến.
Từ năm 2005 đến nay, giống khoai tây Eben đã được đánh giá tại nhiều điểm thuộc mạng lưới khảo nghiệm Quốc gia và đã và đang phát triển nhiều nơi ở các tỉnh phía Bắc. Giống khoai tây Eben được công nhận theo quyết định số: 88/QĐ-TT-CLT ký ngày 22/4/2008.
2. Đặc điểm chính của giống
– Thời gian sinh trưởng: Giống có tính trung bình (90-100 ngày)
– Thân và tán lá: Cây cao trung bình 60-70 cm, có dạng thân nủa đứng, tán lá rộng trung bình, màu lá xanh nhạt, hoa có màu trắng. Một khóm có từ 4-5 thân, thích hợp cho việc thâm canh.
– Củ và mầm củ: Củ dạng tròn, ruột củ màu trắng, vỏ củ nhẵn, mắt củ nông màu hồng nhạt. Mầm củ to, khoẻ, mỗi củ có từ 2-4 mầm.
– Năng suất và chất lượng: Eben là giống khoai tây có tiềm năng năng suất cao và rất ổn định qua các vụ trồng. Năng suất trung bình đạt từ 20-25 tấn /ha. Hàm lượng chất khô đạt 20-23%. Giống khoai tây Eben có chất lượng ăn nếm khá, thích hợp cho chế biến.
– Chống chịu sâu bệnh: Giống khoai tây Eben có khả năng chống bệnh mốc sương rất tốt, tốc độ thoái hoá của giống trong điều kiện sản xuất chậm.
– Thời gian ngủ nghỉ: Là một giống có thời gian ngủ kéo dai 120-130 ngày do đó rất thích hợp cho bảo quản ở kho ánh sáng tán xạ.
3. Kỹ thuật canh tác
– Làm đất: Sau khi cày bừa làm nhỏ đất bằng trâu bò hoặc máy cần kết hợp với thu gom rơm rạ để hạn chế sâu bệnh. Đối với ruộng làm giống nên chọn chân đất cát pha, hoặc thịt nhẹ có tầng canh tác dày, độ màu mỡ cao, thoát nước tốt.
– Lên luống: Tùy theo từng tập quán của mỗi địa phượng, có thể trồng khoai tây theo hàng đơn hoặc hàng đôi. Tuy nhiên, trồng hàng đôi sẽ tiết kiệm công hơn. Chiều rộng của luống hàng đôi rộng 1,2 m và luống cao 0,25 m để thuận tiện cho việc tưới và tiêu nước.
– Thời vụ trồng khoai tây Eben trong điều kiện vụ Đông bắt đầu từ: 30/10 đến 30/11 là tốt nhất, khung thời vụ có thể kéo dài đến 15/12.
– Mật độ trồng: Trong điều kiện sản xuất giống nên duy trì mật độ trồng của giống khoai tây Eben ở mức 6 cây/m2. Nếu trồng hàng đôi phải duy trì khoảng cách 30 x 40cm, như vậy số khóm đạt 1.800 cây/sào Bắc bộ.
– Phân bón cho một ha: 150kg nguyên chất cho cả ba nguyên tố N, P, K (Quy ra 1 sào Bắc Bộ 360 m2 tương đương với 12kg đạm urea, 25 kg lân supe, 9kg kaly clorua).
– Cách bón:
+ Bón lót: 100% phân chuồng, phân lân + 50% lượng phân đạm và phân kali.
+ Bón thúc lần 1: kết hợp với vun xới khoai tây và bón 50% lượng phân đạm và phân kali còn lại.
– Cỡ củ giống Nên chọn cỡ củ giống >50g/củ để trồng có như vậy mới huy được tiềm năng suất khoai tây Eben. Không nên dùng cỡ củ giống quá nhỏ (<30g/củ) sẽ ảnh hưởng đến năng suất khoai tây.
– Cách trồng: Để tạo điều kiện cho khoai tây sinh trưởng và phát triển thuận lợi, không được đặt củ khoai tây giống tiếp xúc với phân vô cơ và không được đặt củ giống ra phía ngoài mép luống. Muốn khoai tây ra nhiều tia củ và củ phát triển thuận lợi, độ sâu lấp củ giống ngay từ đầu phải đạt từ 8-10cm và để tránh củ bị xanh vỏ.
– Chăm sóc
+ Phủ luống: Sau trồng có thể phủ luống khoai tây bằng chất liệu hữu cơ như: rơm, rạ hoặc mùn mục để tạo độ tơi xốp cho đất, giúp cho việc trao đổi chất.
+ Tưới lần 1: Có nhiều phương pháp tưới nước cho khoai tây. Tuy nhiên, sau trồng khoảng 2-3 ngày nếu đất khô có thể dẫn nước vào ruộng. Với đất cát pha, cho nước vào rãnh ngập 1/2 luống. Với đất thịt, cho nước vào rãnh ngập 1/3 luống.
+ Tưới lần 2: Sau tưới lần 1 khoảng 15-20 ngày lúc này phải kết hợp với vun xới đợt 1. Việc tưới nước có thể tiến hành trước hoặc sau khi vun tùy thuộc vào tình hình thực tế của đồng ruộng và tập quán canh tác của từng địa phương. Tưới nước lần hai cũng tương tự lần 1, kết hợp bón thúc đợt 1 và khử lẫn cây lẫn giống, nhổ bỏ cây bệnh.
+ Tưới lần 3: Sau lần tưới 2 khoảng 15-20 ngày tiến hành tưới nước lần 3. Đợt tưới nước này cũng là kết thúc cho chu kỳ sản xuất khoai tây.
– Phòng trừ sâu bệnh
+ Sâu xám: Sâu xám thường cắn ngang gốc cây khi khoai đang thời kỳ mọc. Khoảng 9-10 giờ tối sâu xám ở dưới đất chui lên mặt đất và bám vào cây để ăn lá, đến khoảng 5-6 giờ sáng thì chui xuống gốc cây hoặc dưới đất để ẩn.
Biện pháp phòng trừ
Vệ sinh đồng ruộng, bắt bằng tay (soi đèn vào 9-10 giờ tối hoặc bắt vào buổi sáng sớm)
Dùng Basudine hạt để xử lý đất, liều lượng dùng từ 1,5-2,0kg cho một sào Bắc bộ hoặc dùng Nuvacron nồng độ 0,15% hoặc Sumicidin 0,1% phun vào buổi chiều ngay sau trồng.
+ Nhện trắng: Nhện trắng thường xuất hiện và gây hại khi thời tiết ấm. Chúng tụ tập ở mặt dưới lá non, ngọn cây và chích hút dịch làm cho lá và ngọn quăn lại. Có thể dùng Supracide 40EC hoặc Pegrasus để phun phòng trừ.
+ Bọ trĩ: Bọ trĩ xuất hiện và gây hại khoai tây khi thời tiết ấm. Chúng chích hút dịch lá làm cho lá bị khô và chết. Có thể dùng thuốc Supracide 40EC hoặc Treebon 10EC hoặc Sumicidin 20ND hoặc Bassa 50EC, Sherpa nồng độ 0,1- 0,15% để phun trừ ngay sau khi bọ trĩ xuất hiện.
+ Bệnh virút
– Bệnh virút xoăn lùn: do virút Y gây ra, đây là loại bệnh phổ biến ở Việt Nam. Bệnh xoăn lùn thường làm giảm từ 10-90% năng suất.
Triệu chứng thường gặp: khi khoai tây bị bệnh này lá bị xoăn lại, cây còi cọc thấp lùn xuống, phiến lá gồ ghề không phẳng, củ nhỏ và ít củ.
– Bệnh virút cuốn lá (PLRV): gây hại khoai tây nghiêm trọng và làm giảm năng suất tới 90%.
Triệu chứng thường gặp: cây bị virút cuốn lá thì lá phía dưới bị cong cuốn lên, khi nắm lá vào tay và bóp mạnh lá bị gẫy dòn.
– Bệnh virút khảm: do virút X, S và M gây ra, bệnh ít nghiêm trọng hơn nhưng lại rất phổ biến ở Việt Nam, làm giảm năng suất 10-15%.
Triệu chứng thường gặp: cây bị bệnh virút khảm trên phiến lá có những vết đốm mầu vàng nhạt xen với mầu xanh tạo thành vết khảm lốm đốm.
+ Biện pháp phòng trừ bệnh virút chung:
Diệt trừ các tác nhân truyền bệnh như rệp và bọ phấn…
Sử dụng giống sạch bệnh và nhổ bỏ cây bệnh.
+ Bệnh héo xanh: Bệnh héo xanh, do vi khuẩn Ralstonia solanacearum gây nên. Đây là loại bệnh nghiêm trọng phổ biến ở vùng nhiệt đới nóng ẩm và lây lan nhanh.
Biện pháp phòng:
Sử dụng củ giống sạch bệnh, không bón phân tươi và nhổ bỏ cây bệnh.
Luân canh với lúa nước, không nên trồng khoai tây ở những ruộng mà trước đó vừa mới trồng khoai tây, cà chua, cà hoặc thuốc lá…
+ Bệnh mốc sương: Bệnh mốc sương do nấm Phytophhthora infestans gây nên. Khi nhiệt độ xuống thấp từ 15-180C có mưa phùn kéo dài, trời nhiều mây mù, độ ẩm không khí cao thường phát sinh bệnh mốc sương.
Để hạn chế bệnh cần phải: Kiểm tra đồng ruộng và phun phòng bằng thuốc boóc đô nồng độ 1% hoặc Zinep 80WP pha nồng độ 36 gam/1 bình phun tay 8 lít.
– Thu hoạch: vào những ngày nắng ráo, chọn ruộng và loại bỏ cây bệnh trước khi thu hoạch.
4. Hướng sử dụng
Dùng giống khoai tây Eben cho mục đích chế biến vì giống khoai tây này có hàm lượng chất khô cao, hàm lượng đường khử thấp và không bị đổi màu sau rán.
5. Điển hình áp dụng thành công
Mô hình áp dụng thành công giống mới: HTX Cấp Tiến, Tiên Lãng, Hải Phòng. HTX Đại Hợp, Tứ Kỳ, Hải Dương; HTX Hà Thanh, Tứ Kỳ, Hải Dương; HTX Tân Liên, Vĩnh Bảo, Hải Phòng, HTX Trọng Quan, Đông Hưng, Thái Bình.
6. Địa chỉ liên hệ giống
TS. Trương Công Tuyện – Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có củ
Điện thoại: 03203716391
Email: tuyen1312001@yahoo.com