Cây chiều tím hay còn gọi là cây nhất xinh, là loại cây thường được trồng trong bồn hoa, tô điểm cho góc cây bóng mát… Ngoài ra, cây chiều tím còn là loại cây công trình được trồng nhiều tại các công viên, phân cách hành lang đi bộ…

Cây chiều tím là loại cây đang được nhiều người ưa chuộng, đó cũng là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc và nhân giống. Tuy nhiên, dù dễ tới đâu thì đối với mỗi loại cây hoa cảnh cũng có cách chăm sóc riêng của nó. Sau đây, Sài Gòn Hoa sẽ hướng dẫn bạn cách giâm cành cây hoa chiều tím tại nhà, hy vọng bạn có thể tự nhân giống và chăm sóc vườn hoa nhà mình…

Hướng dẫn giâm cành cây hoa chiều tím:

1. Chuẩn bị giá thể

Giâm cành cây hoa chiều tím ta sử dụng giá thể phối trộn xơ dừa, vỏ trấu, tro trấu theo tỉ lệ 1:2:1. Ngoài ra, có thể sử dụng các tỉ lệ phối trộn giá thể khác để giâm cành cây hoa chiều tím như cát + đất thịt (1:1), đất phù sa, đất sạch + vỏ trấu (2:1)…

Để đảm bảo các loại giá thể được trộn đều nên chia ra trộn thành 4 góc nhỏ, sau đó trộn chung lại, rồi lại chia ra thành 4 góc, làm như vậy 3-4 lần.

2. Chuẩn bị cành giâm

Sử dụng kéo sắc bén cắt cành giâm để giảm sự tổn thương cho cành giâm, có thể sử dụng kéo cắt cành hoặc kéo thông thường nhưng phải đảm bảo độ sắc bén của lưỡi kéo. Mỗi cành giâm dài khoảng 30-35 cm, sử dụng cành giâm ở đoạn vừa phải, nên sử dụng cành giâm ở độ tuổi vừa phải, hạn chế sử dụng các cành già. Vì các cành già khả năng ra rễ sẽ không cao, tốt nhất nên sử dụng cành giâm ở độ tuổi từ 1-2 tuổi.

 

Bạn còn có thể nhận dạng độ tuổi cành giâm theo màu sắc (nếu bạn không nhận dạng được theo độ tuổi) như cành già thường sẽ có màu nâu sẫm, cành có độ tuổi trung bình sẽ có màu xanh lục hơi đậm, còn cành non sẽ có màu xanh non.

3. Giâm cành

Trước khi giâm cành nên ngâm cành vào dung dịch Atonik loãng hoặc dung dịch N3M để kích thích ra rễ cho cành giâm, cũng có thể pha loãng dung dịch tưới sau khi giâm cành theo hướng dẫn trên bao bì.

Chuẩn bị chậu giâm cành, cho giá thể nền vào chậu, nén đất nhẹ hoặc thả nhẹ chậu đựng giá thể để đảm bảo cho các khoảng trống bên trong giá thể được lấp đầy, lượng giá thể trong chậu đủ để cung cấp dinh dẫn cho sự phát triển rễ của cành giâm và nhằm hạn chế sự nén đất khi tưới nước.

Sử dụng cành giâm đã chuẩn bị giâm vào trong chậu giá thể, 1 chậu có thể giâm từ 4-5 cành, khoảng cách giữa 2 cành giâm từ 1-2 cm, hoặc giâm tập trung ở chính giữa chậu.

Ấn nhẹ giá thể vào góc cành giâm để giá thể tiếp xúc với cành giâm và có thể giữ cành giâm đứng thẳng.

Sau khi giâm cành tưới phun sương để giữ độ ẩm cho cành giâm, cũng có thể tưới đẫm cho giá thể trước khi giâm cành. Chỉ cần đảm bảo cho cành giâm và giá thể giâm cành luôn được giữ ẩm, để khả năng ra rễ của cành giâm được bảo đảm tốt nhất.

Chúc các bạn thành công và luôn có một khu vườn đẹp tràn ngập sắc hoa với sự chăm sóc tận tình bằng chính đôi tay của mình.