CÂY LỘC VỪNG
Lộc Vừng là loài cây cảnh quý và rất được coi trọng. Nó hiện diện trong bộ tứ quý “sanh, sung, tùng, lộc” và được coi là loài cây mang đến rất nhiều tài lộc cho gia chủ…
Trong số những loài cây cảnh, có lẽ cây Lộc Vừng là loại cây mà nhiều người ưa nhất. Thích không chỉ ở cái tên đã quá đỗi quen thuộc hay vẻ đẹp do nó mang lại, mà còn quý bởi chúng thuộc một trong bốn cây cảnh quý “sanh, sung, tùng, lộc” mà người đời vẫn ca tụng. Lộc vừng có thân, gốc và hoa rất đẹp.
Lộc vừng nằm trong bộ tam đa sinh vật cảnh: cây vạn tuế ứng với thọ, cây lộc vừng ứng với lộc và sung mang nghĩa sung túc, phúc lành. Loại cây lâu năm, tuổi thọ hàng trăm năm; lộc tía, hoa đỏ thõng dài. Chúng mọc nhiều ở thượng nguồn vùng sông Hương, sông Mã, sông Cả và ven bờ sông nước.
Hiện ở Hồ Gươm – Hà Nội có 2 cây Lộc Vừng hoa màu đỏ rực, nở từng dẫy dài rũ xuống mặt hồ. Ai thấy nó rồi vẫn nhớ mỗi lúc đi xa. Không ít danh họa, nhà nhiếp ảnh tìm tới đây để sáng tác những tác phẩm tuyệt vời, góp vào tinh thần nhớ mãi mùa thu Hà Nội
Cây Lộc Vừng hiện được dùng làm cây cảnh giá trị cao. Giá cả thì vô chừng tùy sở thích người mua và sự ra giá của người bán, có thể lên tới trăm triệu một cây cảnh đẹp là chuyện bình thường mà dân thích chơi cây cảnh, những đại gia đang làm ăn phát đạt sẵn sàng đem về trồng.
Đây là loài cây quý, theo phong thủy thì lộc vừng phong thủy được coi là loại cây mang đến tài lộc,theo cha ông xưa thì Lộc ứng với Tài lộc, thêm hoa của cây màu đỏ và rất đẹp mang lại ý nghĩa là sự thịnh vượng, chính vì những lẽ đó mà Lộc Vừng được các nghệ nhân yêu cây xanh bonsai trồng rất nhiều.
Cây Lộc Vừng
Tên thường gọi: Lộc vừng
Tên khoa học: Barringtonia acutangula (L.) Gaertn.
Họ: Lecythidaceae (Lộc Vừng)
Cây Lộc Vừng có nguồn gốc xuất xứ từ các nước thuộc Đông Nam Á như Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan. Riêng tại Việt Nam, loài cây này được sử dụng rất nhiều, phân bố rộng khắp các vung miền.
Lộc Vừng là cây thân gỗ lâu năm, có chiều cao khoảng 15 – 20m, đường kính gốc lớn vào khoảng 40 – 50cm. Thân cây non có màu xanh, thân già sần sùi màu nâu xám hay màu xám, ứt dọc hay bong mảng dạng chữ nhật, thịt vỏ đỏ hồng, nhiều xơ có dịch đỏ, vỏ lụa trắng vàng. Cây có cành nhánh nhiều, tán lá rộng.
Lộc Vừng có lá đơn, mọc cách, lá thuôn tròn và hơi to, có hình trứng ngược hay hình bầu dục, đầu tù hay có mũi nhọn ngắn, thót dần về phía cuống. Lá có màu xanh mướt, đặc biệt khi mới nhú lá có màu của lộc non.
Khi già, bề mặt lá nhẵn, mép có răng cưa nhẹ mềm mại, mặt trên đậm màu hơn mặt dưới, gân bên nổi rõ, cuống ngắn, rụng để lại sẹo hình lưỡi liềm.
Lộc Vừng có cụm hoa bông dài 6 – 10cm mọc rũ ở đầu cành. Hoa nhỏ, màu đỏ khi nở tỏa hương thoang thoảng cùng với hình dáng thướt tha, mềm mại quyến rũ làm cho cây Lộc Vừng trở nên nổi bật hơn. Hoa Lộc Vừng nở rộ vào tháng 3. Sau khi tàn cho những quả hình cầu màu vàng nâu, đường kính 4 – 6cm, vỏ cứng. Hạt không nhiều, chìm trong thịt.
Cây Lộc Vừng thuộc loài cây ưa sáng, chịu được hạn và úng tốt. Cây có khả năng chịu lửa, sức nảy chồi khỏe, tái sinh hạt và chồi đều tốt. Cây Lộc Vừng cho tán rộng, hoa đẹp nên thường được trồng làm cây bóng mát và tạo cảnh quan xanh cho sân vườn, nơi công cộng như công viên, bệnh viện, trường học hay khu đô thị, khu sinh vật cảnh,…