1. Nguồn gốc:
Giống táo Đào vàng được chọn tạo bằng phương pháp gây đột biến consisin lên đỉnh sinh trưởng của cây con của giống táo Gia Lộc. Giống táo Đào vàng công nhận giống quốc gia năm 1998.
Tác giả: GS.TS. Vũ Tuyên Hoàng, KS. Nguyễn Văn Tuynh, TS. Đào Xuân Thảng. KS Nguyễn Quang Đồng.
Cơ quan tác giả: Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm.
2. Đặc điểm chính của giống:
– Giống Táo Đào vàng là giống chín sớm, chính vụ, giống có khả năng sinh trưởng và phát triển khoẻ, chín sớm (thu rộ trong tháng 12).
– Năng suất cao: 7 – 8 tấn/ha (tuổi 1), 10 – 12 tấn/ha (tuổi 2), năm thứ ba đạt 20 – 25 tấn/ha. Giá bán cao hơn 1,5 -2,5 lần so với các giống táo khác. Giống được trồng thử nghiệm ở một số địa phương cho kết quả tốt và được sản xuất chấp nhận.
– Đây là giống táo quả có chất lượng cao: dạng quả thon dài, chỉ số dạng quả I = H/D (chiều cao/đường kính) = 1,27, khi chín màu vàng cam sáng rất đẹp, hấp dẫn, ăn giòn, ngọt, thơm, quả to trung bình 20 – 25 quả/kg, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng.
3. Kỹ thuật gieo thâm canh.
– Thời vụ trồng: miền Bắc: trồng từ tháng 11 – tháng 4 năm sau song tốt nhất là vào tháng 2, tháng 3 (dịp tiết lập xuân). Các tỉnh phía Nam trồng vào mùa mưa (tháng 5 đến tháng 8).
– Chọn đất trồng: Táo là cây dễ tính ít đòi hỏi về điều kiện đất đai so với các cây trồng khác, nhưng tốt nhất là trồng Táo Đại ở đất phù sa, giữ ẩm, giàu mùn, dinh dưỡng, dễ tưới, tiêu nước.
– Các yêu cầu kỹ thuật khác:
+ Khoảng cách mật độ. Khoảng cách trồng táo (hàng x cây) = (5 x (4 – 5)m (600 – 700cây/ha). Để có sản lượng cao từ những năm đầu, có thể trồng mật độ tăng gấp đôi với khoảng cách (hàng x cây) = (5 x 2,5 m) (800 – 1000 cây/ha) đến năm thứ 3 (khi tán cây giao nhau) khử bỏ cây ở hàng giữa để đảm bảo mật độ (hàng x cây) = (5 x 5 m).
+ Trồng cây: đào hố rộng 60 – 70 cm, sâu 60 – 70 cm. Bón lót 30 – 50 Kg phân hữu cơ vi sinh + 1,5 – 2 kg lân super (hoặc lân hữu cơ vi sinh)/hốc đảo đều với đất bột cho kỹ trước khi trồng 5 – 10 ngày.
– Bón phân: Táo ở tuổi 1, 2 bón 300 – 400 Kg Urê + 200 – 300 Kg Kali + 300 Kg lân Super (hoặc lân hữu cơ vi sinh)/năm. từ năm thứ 3 trở đi mỗi ha táo cần bón 450 – 500 Kg Urê + 300 – 350 Kg Kali + 500 Kg Lân Super (hoặc lân hữu cơ vi sinh).
+ Lần 1: Sau trồng một tháng hoặc ngay sau khi đốn táo: xới toàn bộ xung quanh gốc và bón thúc 30 – 50 kg phân hữu cơ vi sinh + 1/3 lượng phân hoá
+ Lần 2: Trước khi cây ra hoa rộ bón 1/3 lượng phân (Đạm + Kali)
+ Lần 3: Khi cây đã vừa vào quả đẫy (sau lần 2: 70 – 85 ngày) bón nốt số phân còn lại. Nếu gặp hạn phải tưới nước để cây sinh trưởng và phát triển tốt, quả lớn nhanh, không bị héo rụng.
– Phòng trừ sâu bệnh.
+ Bọ xít xanh, rệp dính, sâu cuốn lá, sâu gặm đục quả phá hoại: dùng Sherpa 0,1 – 0,15% để phun cho táo.
+ Bệnh phấn trắng dùng: Byleston 0,1 – 0,15%, Anvil 0,1% để phun.
+ Bệnh sương mai sử dụng Boocđô 1%, Ridomill 75WP 0,1 – 0,25% phun
– Kỹ thuật đốn táo: Táo tuổi 1 cắt cành ghép chính, để chừa lại 20 – 25 cm cành ghép, kết hợp với tạo tán.
Táo tuổi 2 đốn thấp 40 cm cành ghép, để lại 3 thân chính ở thế chân kiềng.
Từ tuổi 3 trở đi đốn đuổi cách vết đốn cũ năm trước 15 – 20 cm (đốn táo có thể điều khiển cho táo chín sớm hơn hoặc muộn hơn xin hỏi chi tiết các chuyên gia về táo).
- Thu hoạch.
Thu đúng lúc quả chín cho chất lượng ngon. Khi quả to đẫy màu vàng sáng là thu được.
4. Đối tượng và phạm vi áp dụng:
Tổ chức và cá nhân tham gia sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây táo trong mô hình phát triển kinh tế trang trại, kinh tế vườn tại các tỉnh phía Bắc
Trên đất vườn, đất trang trại có độ dốc thấp, tầng canh tác dày, dinh dưỡng cao, chủ động tưới tiêu nước
5. Điển hình đã áp dụng thành công:
Hải Dương: Tứ Kỳ, Nam Sách, Gia Lộc, Cẩm Giàng …
Thái Bình: Đông Hưng, Hưng Hà…
Nam Định: Nghĩa Hưng
Hà Nội: Phúc Thọ, Thạch Thất…
Thanh Hóa: Nga Sơn, Hoàng Hóa…
Thái Nguyên: Phú Bình, Phổ Yên, Đồng Hỷ và thành phố Thái Nguyên
6. Địa chỉ liên hệ giống:
Cá nhân: Đoàn Xuân Cảnh. Trưởng Bộ môn Cây thực phẩm
Viện Cây lương thực và cây thực phẩm
Địa chỉ: Liên Hồng, Gia Lộc, Hải Dương
Điện Thoại: 03203716385/0912675356