1. Nguồn gốc:
Giống lạc mới L17 được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đậu đỗ chọn ra theo phương pháp chọn lọc phả hệ từ tổ hợp lai (L08 x TQ6) đã được Hội đồng Khoa học và công nghệ Bộ NN&PTNT công nhận cho sản xuất thử theo quyết định số 218/QĐ-TT-CCN ngày 15 tháng 6 năm 2012, cho các tỉnh phía Bắc.
Cơ quan tác giả: Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm
Nhóm tác giả: Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Thị Yến, Nguyễn Thị Chinh, Nguyễn Xuân Hồng, Nguyễn Xuân Thu, Phan Quốc Gia, Nguyễn Xuân Đoan, Nguyễn Thị Thúy Lương, Nguyễn Thị Hồng Oanh, Nigam. S.N, Walyar Farid
2. Đặc điểm chính của giống:
Giống lạc L17 thuộc dạng hình thực vật Spanish, có 4,0 – 4,3 cành cấp I; 2 – 2,8 cành cấp II/cây, lá có dạng hình trứng thuôn dài, màu xanh đậm, chiều cao cây trung bình đạt 40 cm ở vụ xuân và đạt 35 cm ở vụ thu đông, quả to, gân trên quả hơi mờ, mỏ quả trung bình – rõ, vỏ quả mỏng, hạt to, vỏ lụa màu hồng cánh sen và không bị nứt vỏ hạt, có khối lượng l00 hạt lớn (72 – 75 g), vỏ quả mỏng (tỷ lệ nhân 72 – 73%), độ đồng đều của hạt cao (77%).
Giống lạc L17 nhiễm trung bình với các bệnh hại lá chính và có tỷ lệ thối quả thấp, kháng nấm A.flavus ở mức trung bình.
Giống lạc L17 là giống có tiềm năng cho năng suất cao (đạt từ 40 – 43 tạ/ha)
Hàm lượng aflatoxin chứa trong hạt thấp.
3. Kỹ thuật gieo cấy/ canh tác/ sản xuất:
Giống có thể gieo trồng trong cả vụ xuân và vụ thu đông, thích hợp trên chân đất cát pha, thịt nhẹ, thâm canh tốt.
– Thời vụ gieo
Vụ xuân: 15/01 – 25/02; Vụ thu đông: 25/08 – 15/09
– Làm đất
Cày sâu 25 – 30 cm, bừa kỹ và nhặt sạch cỏ dại trước khi lên luống, rạch hàng.
– Phân bón
+ Lượng bón ( kg/ha): Đạm Urea: 90 kg; Lân Super: 650kg; Kalyclorua: 180 kg; Phân hữu cơ vi sinh: 15 – 20 tấn/ha ( hoặc phân vi sinh Sông Gianh: 1000kg/ha); Vôi bột : 500 kg.
+ Cách bón: Vôi bột 50% bón vào lúc trước khi rạch hàng, còn lại 50% bón vào khi vun gốc. Toàn bộ phân hóa học được trộn đều và bón lót vào hàng đã rạch sẵn để gieo hạt ( Hàng rạch sâu 10 – 15 cm), phân hữu cơ vi sinh bón sau cùng, sau khi bón phân lấp một lớp đất dày 3- 4cm để hạt gieo không bị tiếp xúc trực tiếp vào phân bón.
– Lượng giống cần cho 1 ha
Trước khi gieo nên thử lại sức nảy mầm. Nếu hạt có tỷ lệ nảy mầm đạt trên 85% thì lượng giống cần 220 – 240 kg/ha (giống vụ xuân) và 200 – 210kg (giống vụ thu hoặc vụ thu đông)
– Kích thước luống và mật độ gieo
Luống rộng 1,3m (cả rãnh), sau khi lên luống đảm bảo luống cao 20 – 25 cm và mặt luống rộng 1,0 m; gieo 4 hàng theo chiều dài luống. Khoảng cách hốc cách hốc 18 – 20cm, gieo 02 hạt/hốc.
Chú ý: Nếu che phủ nilon, để thuận lợi cho thao tác và đạt hiệu quả sản xuất cao nên sử dụng loại nilon có đường kính ống rộng 60cm cho luống rộng 1,3m(cả rãnh), độ dày của nilon từ 0,007 – 0.01mm ( đảm bảo 1 kg nilon có thể che phủ 100m2 đất
– Chăm sóc
+ Không che phủ nilon:
Xới, làm cỏ lần 1 (phá váng): Khi cây có 2 -3 lá thật ( sau mọc 7 – 10 ngày).
Làm cỏ, xới lần 2: Cây có 6 – 7 lá thật ( trước khi ra hoa), xới sâu 6 – 5 cm sát gốc.
Xới cỏ lần 3 kết hợp vun gốc ( có thể kết hợp bón 50% vôi còn lại) sau khi hoa rộ 10 – 15 ngày.
+ Che phủ nilon: Làm cỏ (nếu có) kịp thời
– Tưới nước
Nếu thời tiết khô hạn phải tưới nước vào 2 giai đoạn chính: Trước khi cây ra hoa(cây có 6 – 7 lá) và thời kỳ làm quả hạt. tưới ngập 2/3 rãnh luống, để nước ngấm đều rồi tháo cạn.
– Phòng trừ sâu bệnh
+ Thời kỳ cây con: Xử lý hạt giống trước khi gieo bằng thuốc trừ nấm Rovral 50WP 0,3g/kg hạt hoặc phun Carbedazin 0,5 – 0,7 lít/ha
+ Phòng trừ bệnh lá: Dùng Daconil, Anvil,Bayleton 0,1 – 0,3% hoặc Boocđo phun lần 1 sau mọc 25 – 30 ngày, lần 2 cách lần 1 15 – 20 ngày để ngăn ngừa bệnh lá làm rụng lá sớm.
+ Phòng trừ sâu hại chủ yếu: Định kỳ kiểm tra để tiêu diệt các ổ trứng và sâu non. Có thể trừ sâu khoang, sâu xanh bằng thuốc hóa học: Sumicidin, Alphan 5 EC.
– Thu hoạch và bảo quản
Kiểm tra độ chín của lạc, chọn ngày nắng ráo để thu hoạch. Thu hoạch khi quả già chiếm khoảng 80 – 85% số quả/ cây đối với lạc làm thương phẩm, lạc để làm giống thu hoạch sớm hơn 5 – 7 ngày. Sau khi nhổ, vặt quả, rửa sạch, phơi dưới nắng nhẹ đến khi ẩm độ đạt an toàn(10 – 12%), hay kinh nghiệm lạc khô vỏ lụa tróc ra là được.
Phơi lạc giống nhất thiết phải phơi trên nong nia, cót, sân đất (không phơi trực tiếp trên sân gạch, xi măng). Khi phơi khô phải để mát sau đó mới cho vào bao nilon hoặc chum vại đậy kín, bảo quản nơi khô mát tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng bên ngoài.
4. Đối tượng và phạm vi áp dụng:
Giống lạc L17 có thể gieo trồng trên nhiều trân đất khác nhau (đất cát pha, thịt nhẹ) và trồng được trong cả vụ xuân và vụ thu đông.
5. Điển hình đã áp dụng thành công:
Đã xây dựng thành công mô hình tại huyện Hiệp Hòa – Bắc Giang, Diễn Châu – Nghệ An, Yên Mô – Ninh Bình, năng suất đạt từ 40,2 – 43,5 tạ/ha (vụ xuân) và 27 – 30 tạ/ha (vụ thu đông) vượt >10% so với đối chứng MD7.