Thời gian vừa qua, trên địa bàn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) do ảnh hưởng của thời tiết khiến cho một số diện tích vải thiều ra hoa muộn, đồng thời đã tạo điều kiện cho một số sâu, bệnh phát triển và gây hại trên hoa vải như rệp muội, bọ xít, bệnh sương mai.

Theo kết quả điều tra, vào những ngày cuối tháng 3, rệp muội phát triển gây hại phổ biến ở các vườn vải, tỷ lệ hại trung bình từ 3 – 5%, cao từ 20 – 30%; bọ xít chủ yếu là trưởng thành và trứng, mật độ trung bình 0,2 con/cành, cao từ 2 – 4 con/cành; sâu đo, sâu róm, nhện lông nhung hại nhẹ; bệnh sương mai gây hại nặng cục bộ ở một số vườn, tỷ lệ hại trung bình từ 4 – 6%, cao từ 15 – 20%. Hiện đối tượng rệp muội và bệnh sương mai đang phát triển và khả năng gây hại cao, nếu không được phòng trừ kịp thời thì rệp muội phát triển nhanh sẽ hút hết chất dinh dưỡng của cành hoa vải, còn bênh sương mai lan rộng sẽ làm cho chùm hoa vải chết khô đi gây ảnh hưởng đến năng suất.

Để phòng trừ hiệu quả các đối tượng sâu bệnh gây hại và hạn chế đàn ong khai thác mật hoa vải, Trạm bảo vệ thực vật Lục Ngạn đã đề nghị UBND các xã chỉ đạo các đoàn thể như Hội Nông dân, Phụ nữ, cán bộ khuyến nông cơ sở tập trung đôn đốc chỉ đạo các hộ gia đình có vải thiều, phòng trừ sâu bệnh hại trước khi hoa vải thiều nở từ 5 – 7 ngày.

Theo đó, sử dụng một trong những loại thuốc sau: thuốc hoá học gồm Cyrin 25 EC, Bestox 5 EC, thuốc sinh học (hoạt chất Abamextin 1.8 hoặc 3.6, hoạt chất Emamextin 3 – 5 WG) để phun thuốc phòng trừ sâu đo, bọ xít, rệp muội. Sử dụng các loại thuốc như: Ridomin gol 68 WP, Polyram 80 DF hoặc thuốc có hoạt chất Carbendazim 50 WP, 50 SC để phòng trừ bệnh sương mai thán thư.

Lưu ý: nồng độ và liều lượng phun theo khuyến cáo trên nhãn mác của từng loại thuốc, thời gian phun thuốc khi trời khô ráo và có nhiệt độ trên 15 độ C.

vai thieu

Nguồn: giongcaytrong.com